CEO AN PHÚ FARM - DƯƠNG HIỂN TÚ: CHẮP CÁNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

CEO AN PHÚ FARM - DƯƠNG HIỂN TÚ: CHẮP CÁNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Ký ức về miền Trung trong tiềm thức của nhiều người là một mảnh đất nghèo. Nghèo đến tận cùng sỏi đá. Nắng rát cháy da. Ngay ở Quảng Nam, cho đến giờ vẫn tồn tại khái niệm “mùa giáp hạt” với cái đói: “Gió nam thổi kiệt bảy ngày/ Khoai lang khô cũng hết, lúa vay cũng chẳng còn”…

 

Chính vì thế, khi có cơ hội trò chuyện với doanh nhân Dương Hiển Tú - Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm và nhiều trang trại được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ, chúng tôi vẫn tự hỏi, điều gì đã xui khiến một kỹ sư công nghệ, có ngoại ngữ tốt và đi nhiều nơi lại “đày ải đời mình” trên mảnh đất khô cằn với nền nông nghiệp từng được gắn với sự chật chội và đói nghèo?

 

Câu trả lời cũng dần được hé lộ qua từng bước đi của An Phú Farm bởi cuối cùng, chính tình yêu nông nghiệp, yêu từng thửa đất, nguồn nước đến độ “cuồng nhiệt” đã giúp doanh nhân Dương Hiển Tú mở chuỗi cửa hàng thực phẩm và nhiều trang trại hữu cơ. Đây cũng là điển hình của những những người trẻ biết mơ và dám thổi sự sống mới vào những triền đất hoang sơ bao đời cứ ngỡ ngủ yên dưới những tán rừng keo.

 

Chúng tôi đã đắn đo mãi để tìm một không gian trò chuyện cùng doanh nhân Dương Hiển Tú, khi tự hỏi: Không biết một doanh nhân về nông nghiệp sẽ thích không gian gì? Thật bất ngờ, chính anh lại hẹn chúng tôi ngay tại phiên chợ nông sản do chính An Phú Farm tổ chức. Thì ra câu chuyện của nông sản Việt luôn là niềm đau đáu của người doanh nhân này.

 

NHỮNG NGÀY THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM HỮU CƠ CÒN XA LẠ

PV: Được thành lập từ năm 2015, các cửa hàng đầu tiên mở ra đều tại TP. Đà Nẵng, khi ấy có lẽ thị trường thực phẩm hữu cơ vẫn còn xa lạ với nhiều người, điều gì đã khiến An Phú Farm có thể định hình và đứng vững trong thời điểm bấy giờ?

 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Thường thì làm kinh doanh người ta sẽ nghiên cứu thị trường, tức là nhu cầu cho sản phẩm và thị hiếu khách hàng, nhưng khi bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ, tôi lại không làm chuyện đó. Bởi lúc đó thị trường còn mới mẻ, chưa ai nghĩ đến khái niệm thực phẩm hữu cơ là gì. Nhưng nội hàm và cái lõi của thực phẩm hữu cơ chính là việc canh tác thuận tự nhiên, không sử dụng những hóa chất như: Phân bón hoặc là thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất trong trồng trọt và nó tốt cho người tiêu dùng.

 

Hơn hết, khi ấy tôi có con nhỏ, bất kỳ người nào có con nhỏ thì luôn nghĩ và tìm cách tìm những đồ ăn tốt nhất cho con, giai đoạn ấy thị trường bắt đầu có những bài báo đáng báo động về vấn nạn vệ sinh, an toàn thực phẩm, bị ngộ độc, hay gây ra những tác dụng phụ khi sử dụng thực phẩm chứa hóa chất… Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc ra đời và bán các sản phẩm hữu cơ dù là bước khởi đầu thôi nhưng mà sẽ giải quyết được vấn đề thực phẩm, hy vọng rồi “hữu xạ tự nhiên hương”. Còn lúc đó câu chuyện thị trường thì thực sự tôi chưa biết là nó sẽ đi về đâu, nhưng tôi tâm niệm nếu như nó tốt như thế thì mình cứ làm đi.

 

 PV: Khi khởi nghiệp, nhiều startup hay tự hỏi: Liệu mình nên bán cái thị trường cần hay bán cái mình có? Đặc biệt, chọn nông nghiệp hữu cơ từ những ngày đầu khởi nghiệp là một con đường khá khác biệt và thậm chí là liều lĩnh. Xin anh chia sẻ thêm về hướng đi của An Phú Farm?

 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Đúng thật, khi ấy chọn nông nghiệp hữu cơ là sự lựa chọn liều lĩnh, khi tham gia vào mảng nông nghiệp có quá nhiều rủi ro. Bạn thấy đấy, những tập đoàn khổng lồ đầu tư vào nông nghiệp cũng mất rất nhiều tiền và rất nhiều thời gian để có hiệu quả. Còn lại, ví dụ như những startup làm farm trồng rau sạch, ôm giấc mơ xây dựng hệ sinh thái cũng trầy trật và thất bại rất nhiều vì không có đủ con người, cùng với đó, đam mê, tài chính dần cạn kiệt và rất nhiều yếu tố nữa.

 

Chưa dừng lại ở đó, An Phú Farm còn tự xây dựng các farm để: Tự sản xuất, tự chăn nuôi nhằm cung ứng cho chính khách hàng thì khó khăn và rủi ro gấp bội lần. Điển hình như, nếu là bài toán kinh doanh thì ví dụ một cửa hàng nhập vào 20kg, bán hết 20kg và chốt tiền lãi thì rất đơn giản. Còn khi một cửa hàng kinh doanh tự mở trang trại, có thể sản xuất ra từ 50kg-100kg thì họ phải luôn tìm cách đổi mới và sáng tạo để bán sản phẩm, hoặc như các đợt thiên tai, dịch bệnh… “quét” qua thì đúng thật là phải đối diện với vô vàn thách thức.

 

Nhưng An Phú Farm vẫn dám đánh đổi, bởi bù lại mình được sự nhất quán từ việc mình làm và làm chủ được tất cả quy trình sản xuất, đó là lý do An Phú Farm chọn slogan: “Thực phẩm hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn” và đây là cách An Phú Farm kết hợp giữa cái thị trường cần và cái mình có.

PV: Được biết anh cũng là một người nông dân chính hiệu khi làm ra, thuyết phục và đi ship từng con gà, từng quả trứng,… trước khi có chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ lớn như hiện nay. Anh rút ra những bài học gì từ quá trình “khởi nghiệp tí hon” ấy?

 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Ngay từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp, tôi đã xây dựng nên cho An Phú Farm nguyên tắc và giá trị cốt lõi đầu tiên là: Chất lượng.

 

Khi mới bắt đầu sản xuất, nuôi trồng với một số lượng nhỏ như những ngày đầu, mình sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ như: Chăm sóc, nuôi con gà, lấy trứng gà… thì tôi nghĩ bây giờ bất kỳ một gia đình nào nuôi 5 con, 10 con họ đều chăm sóc rất tốt. Nhưng mà khi mình nuôi lên số lượng lớn thì cái bài toán về thức ăn, về môi trường, về kiểm soát chất lượng nó hoàn toàn khác. Bởi nhiều khả năng phải áp dụng những quy chuẩn công nghiệp vào trong nên khi đó chất lượng nó không phải là cái quan trọng nhất. Còn đối với người làm từ nhỏ, chất lượng là cái quan trọng nhất. Vì mình làm như vậy có chất lượng tốt, mình mới chinh phục được khách hàng. Đó là nguyên tắc đầu tiên!

 

Nguyên tắc thứ hai, khi trực tiếp làm ra rồi thì mình sẽ tự tin đem sản phẩm đến và tương tác với khách hàng, bởi đó là “người thật, việc thật”. Mình chăm sóc khách hàng, lắng nghe được phản hồi của họ là cái này ngon, cái này không ngon, cần phải điều chỉnh cái gì… tiếp thu có chọn lọc rồi cải thiện dịch vụ khách hàng và làm tốt hơn mỗi ngày. Đến bây giờ khi An Phú Farm mở ra nhiều cửa hàng thì vẫn giữ vững giá trị như vậy. Đó là nguyên tắc phải lắng nghe và tương tác với khách và nhận được những phản hồi của họ để cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như là cái chất lượng dịch vụ của mình. Vì vậy, tôi cũng xác định là bây giờ có phát triển như thế nào thì An Phú Farm cũng giữ được cái giá trị như ban đầu.

 

Có thể nói, bất cứ sự phát triển của một doanh nghiệp nào cũng cần sự thay đổi và thích nghi, bởi lập ra một doanh nghiệp không phải để an phận. Đây chính là cốt lõi của sự phát triển, dẫn chứng cho mọi sự biến động xung quanh: Các hệ điều hành smart phone như IOS hay Android phải cập nhật hàng ngày, hàng giờ để theo yêu cầu của người dùng. Các hãng xe mỗi năm đều cập nhật phiên bản xe mới. Ngay cả cái cây, mùa thu còn rụng hết lá để sang xuân mọc lên tươi tốt hơn. Vậy hà cớ gì, chúng ta không thay đổi và thích nghi? Đó cũng chính là sự đau đáu mà mọi doanh nghiệp muốn vươn mình phát triển và An Phú Farm cũng vậy! Đó là lý do An Phú Farm là một trong ít chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại miền Trung mạnh dạn thành lập nhiều trang trại và đã được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ.

LÀM "MỀM HÓA" NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA MIỀN ĐẤT SỎI

PV: Điều mà An Phú Farm đã nhận ra với ưu điểm khi khởi nghiệp từ nông nghiệp kết hợp thành lập nhiều trang trại là gì, thưa anh?

 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Như đã chia sẻ, có quá nhiều rủi ro An Phú Farm đã đối mặt khi thành lập nhiều trang trại để làm chủ được quá trình cung cấp thực phẩm, nhưng hiển nhiên là bạn muốn thay đổi, muốn tạo ra sự khác biệt thì bạn phải dám trả giá mà lại dám đối diện với khó khăn. Nếu được chọn lại An Phú Farm vẫn sẽ kiên định với con đường này.

 

Đó là lúc mình biết chắc chắn để tạo ra sản phẩm ấy, mình sử dụng phân gì, hạt giống gì, chăm sóc ra sao… và khi tới cửa hàng, đến tay người tiêu dùng mình sẽ rất thoải mái và tự tin cũng như tạo dựng được lòng tin của khách hàng với sản phẩm. Hơn hết, thách thức chính là động lực, việc biết từng công đoạn để tạo ra sản phẩm đã giúp tôi có động lực và duy trì niềm đam mê với nông sản.

 

Tại những phiên chợ nông sản được An Phú Farm dày công tổ chức, thực lòng mà nói cửa hàng không có lãi! Làm sao mà cả chục nhân viên, 20 nhân viên chuẩn bị mấy ngày, riêng việc trả tiền lương cho mấy bạn không thôi thì tất cả tiền bán hàng ở phiên chợ cũng không đủ. Tôi vẫn hay nói rằng, người ta triển lãm xe ô tô, hàng hiệu, đồ xa xỉ còn An Phú Farm đi triển lãm rau, bởi vì mình thương, mình quý những điều làm ra và không muốn nhìn thấy nó bị hắt hủi giống như nông sản nhiều khi qua cửa khẩu nằm đó chờ tới khi sắp hỏng thì phải mang trở lại, năn nỉ mọi người mua giúp.

 

Có tận tay làm ra mới hiểu nông sản nó quý nhường nào, nhưng mà đã bị đối xử như thế thì tôi cảm thấy rất đau lòng. Cho nên mình làm cái gì, mình bỏ tiền ra cũng được, bỏ công sức cũng được nhưng mà mình tôn giá trị của nông sản, tôn giá trị của người nông dân mình lên, phải giữ phẩm giá của mình chứ? Nếu bây giờ có người vào cửa hàng, nói rau này là cái gì, đồ này thế này thế kia… Tôi xin mời bạn ra khỏi cửa hàng liền vì tôi không cần phải bán cho người không hiểu được những giá trị đó, không phải là tôi không bán được cho ai hết thì anh tới mua là anh đang giúp đỡ tôi. Bây giờ có nhiều người nghĩ tới việc người nông dân tội lắm! Cho nên mình bỏ đồng tiền mua bó rau là đang cứu giúp đời của họ. Không phải! Họ đang làm một bó rau sạch, một luống rau củ an toàn là họ đang giúp cho mình đấy!

 

Con em chúng ta phải ăn cháo, ăn rau,… Nếu như không ăn được những cái đó thì không thể phát triển. Nên phải đón nhận cái đó với sự trân trọng nhất định dành cho người làm. Vậy nên, mục đích phiên chợ của An Phú Farm là như thế, mở ra thì mình chấp nhận có thể là ít người tới nhưng mà mình phải làm, tôi phải làm như thế để mình tôn giá trị nông sản lên, điều đó đã tạo cho tôi động lực để tiếp tục chứ nếu chỉ buôn bán không thì tôi thấy nhiều khi chán lắm, buôn bán thì có lãi, có lỗ đúng không? Nhưng mà thật sự làm một cái cửa hàng như thế, quanh quẩn như thế thì sẽ rất chán. Nhưng nếu như bạn gắn liền chuyện cửa hàng với cái chuyện sản xuất với câu chuyện nông sản mình phát triển thì sẽ được duy trì ý nghĩa. Cho nên, sau 7 - 8 năm tôi vẫn còn nhiệt huyết cho nông sản hữu cơ là lý do ấy.

PV: Hiện nay, thị trường thực phẩm là một cuộc cạnh tranh khốc liệt với số lượng cửa hàng mang tên: Thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm organic… mọc lên ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ấy là gì?

 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Sự cạnh tranh đầu tiên là về giá cả, ví dụ như một người sản xuất ra quả cam hữu cơ tại vườn sản xuất và họ bán 40.000 đồng/kg, khi đưa về cửa hàng, rất nhiều chi phí vận chuyển, nhân viên bảo quản, hư hỏng… nhà sản xuất mong muốn bán 65.000 đồng/kg thì An Phú Farm bán đúng giá đó, nhưng cửa hàng mới mở ra nếu như họ bán 65.000 đồng/kg thì ai tới mua của họ? nên họ bán 63.000 đồng/kg thôi, rồi cửa hàng ra sau nữa tiếp tục hạ giá bán 60.000 đồng/kg thôi, thậm chí có người bán 40.000 đồng/kg thôi.

 

Nếu như thế thì mình không kinh doanh nổi nữa. Vì chi phí đâu để bạn làm những chuyện đó để rồi ảnh hưởng tới doanh thu của mình là cái thứ nhất. Cái thứ hai là nhà sản xuất cũng không bán được hàng đó nữa, tại vì mình không bán được thì thôi, nhà sản xuất biết bỏ hàng cho ai? Đối với môi trường cạnh tranh của Việt Nam, thay vì người ta cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, bạn ra sau, bạn có cái gì đó mới hơn để chăm sóc khách hàng nó tốt hơn thì tốt hoặc là bạn bày biện đẹp hơn, để rồi ai cũng phải phát triển, ai cũng phải cố gắng để mình tốt lên từng ngày thì khách hàng được hưởng lợi. Còn đây, họ nghĩ tới chuyện giảm giá, giảm giá, đến mức sát với giá sản xuất luôn, cuối cùng là không có lãi và cũng không mang lại nhiều giá trị. 

 

Thứ hai là thông tin, ví dụ như họ đưa ra những thông tin sai lệch, làm ảnh hưởng tới uy tín của mình. Tại vì họ muốn bán được sản phẩm thì họ phải nói xấu về những người khác. Nhưng cách để nâng mình lên không phải là hạ người khác xuống. Để rồi, nói xấu qua lại cuối cùng khách hàng không biết nghe ai. Cho nên, An Phú Farm không đưa ra bất kỳ bình luận nào về sản phẩm của người khác. Do đó, An Phú Farm được thương nhiều và cũng bị ghét nhiều. Tại vì ít có đi làm cả một chuỗi từ A-Z như An Phú Farm.

 

PV: Vượt qua những sự cạnh tranh ấy, An Phú Farm đã làm gì để củng cố thương hiệu và niềm tin cho khách hàng?

 

Doanh nhân Dương Hiển Tú: Mình nói về mình thôi chưa đủ, mà cần những sự trải nghiệm, sự tin tưởng của khách hàng, rồi những tiếng nói của bên thứ 3 như cơ quan quản lý. Có lúc tôi đã nghĩ rằng, thực phẩm hữu cơ là phong trào nghĩa là nó dấy lên rồi nó hạ xuống. Khi nó phát triển lên rất nhiều người, nhiều đơn vị làm tùm lum, cái gì cũng gán mác “hữu cơ”, đến khi rớt hết lòng tin thì nó sẽ xẹp. Nhưng rồi tôi vẫn tâm niệm: Mình cứ kiên định làm điều mình cần làm, hữu xạ tự nhiên hương, khách hàng thương mến thì tiếng lành sẽ đồn ra xa, đó là cách mà những thương hiệu uy tín được trụ lại.

 

Giống như điện thoại Iphone. Nhớ có thời mà Iphone mới về Việt Nam, các hãng ra điện thoại nhái giống hệt Iphone rất nhiều. Sau đó, những sản phẩm "nhái" đó bị “rụng” hết, chỉ có Iphone vẫn đứng vững, nên ta cứ kiên trì và làm nó thôi! Cố gắng làm những điều tốt nhất có thể như: Mời khách hàng lên tận farm trải nghiệm, xin chứng nhận hữu cơ,…

 

Là thế hệ 8X, những “thanh niên khởi nghiệp” năm nào giờ đây mái tóc đã điểm màu, có người được gọi là ông, là bà. Dù vậy, với nông nghiệp, doanh nhân Dương Hiển Tú vẫn nhận mình là một người con! Một người con của nông nghiệp, bước ra từ nông nghiệp để trở về với nông nghiệp âu cũng là niềm hạnh phúc của cuộc đời. Doanh nhân Dương Hiển Tú mà Reatimes giới thiệu có thể chưa phải là người thành đạt nhất trong số hàng ngàn doanh nhân Việt Nam đang đóng góp cho ngân sách nhà nước và tạo nên thương hiệu nổi bật nhất về một người con xứ Quảng. Nhưng tiềm ẩn trong họ là khả năng nuôi dưỡng khát vọng làm nông nghiệp chân chính với trách nhiệm xã hội của một doanh nhân đang xây đắp giấc mơ nền nông nghiệp hữu cơ bằng cả con tim và trí tuệ, vững tay chèo đưa nền nông nghiệp vươn lên những thử thách và gặp hái được nhiều mùa vàng, quả ngọt.

 

Chúng tôi cũng đã lý giải được vì sao anh thích hẹn gặp và trò chuyện tại phiên chợ, tại trang trại với cái khiêm cung nhẹ nhàng, giọng điệu trầm ấm như cách những người làm nông nghiệp chân chính: Lặng lẽ, cần mẫn mà đắm đuối. Không chỉ là câu chuyện của doanh nhân Dương Hiển Tú mà đã có những chộn rộn, đổi thay từ khi nền nông nghiệp hữu cơ phát triển. Bên cạnh những vồn vã của thời cuộc, niềm tin vào nông nghiệp bền vững không hề “nguội lạnh” bởi “gia tài” của An Phú Farm chính là tình yêu nông nghiệp vẫn nguyên vẹn, tươi rói trước sóng gió thương trường và ghềnh thác của cuộc đời. Tất cả hun đúc nên giá trị của một người con Gò Nổi từ sự kiên định với nông nghiệp hữu cơ: “Một tấc không đi, một ly không rời”.

 Nhân Nghĩa - Ngọc Trâm

 

Đang xem: CEO AN PHÚ FARM - DƯƠNG HIỂN TÚ: CHẮP CÁNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng